BAN QUẢN TRỊ CityHomesVietnam | Quản lý, Khai Thác Bất Động Sản & Điện Năng Lượng Mặt Trời

BAN QUẢN TRỊ

Đối với đa số người dân Việt Nam, ngôi nhà là một trong những tài sản có giá trị lớn nhất trong cả cuộc đời mỗi người. Hơn thế nữa, tâm lý chung của người dân Á Đông là "an cư lạc nghiệp" nên bất động sản không chỉ là một tài sản vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Chính vì vậy, trách nhiệm của mỗi người là cùng nhau duy trì tài sản của mình ở điều kiện tốt nhất và gia tăng giá trị của bất động sản theo thời gian.
 
Thấu hiểu điều đó, CityHomes mong mỏi các cư dân trên khắp các chung cư cả nước được tham gia sâu, tác động một cách tích cực vào chính sách quản lý tòa nhà để họ có thể tự mình quyết định các chính sách, phương pháp tốt nhất nhằm bảo vệ và gia tăng giá trị cho tài sản của mình.
 
Thực tế tại nước có xã hội dân sự phát triển cao như Hongkong, Hàn Quốc, Singapore...  đã cho thấy Ban Quản trị chính là hình thức tổ chức, một phương tiện giúp người dân tham gia quản lý bất động sản của mình một cách tích cực và chủ động nhất. Trên tinh thần tôn trọng quyền làm chủ của cư dân kết hợp với kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực quản lý bất động sản tại thị trường Việt Nam, CityHomes mong muốn cung cấp một khung hướng dẫn thành lập và cơ chế hoạt động của Ban Quản trị nhằm giúp các cư dân thấu hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp, xây dựng tạo nên giá trị gia tăng cho mỗi tòa nhà chung cư.
 
Vai trò của Ban Quản trị
  1. Mỗi tòa nhà chung cư hiện nay bao gồm hàng trăm đến hàng nghìn căn hộ. Đó là tài sản chung của các cư dân. Chính vì vậy, mỗi cư dân phải có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý và bảo trì bảo dưỡng tòa nhà. Họ phải tham gia và chịu trách nhiệm cho các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình quản lý hoặc bảo trì tòa nhà chưa đúng cách.
  2. Quản lý và duy trì chung cư không phải là việc đơn giản. Nó bao gồm vô số vấn đề liên quan từ dịch vụ làm sạch, dọn dẹp, an ninh trong khu vực công cộng cho đến các công việc không định kỳ, chẳng hạn lựa chọn công ty quản lý tài sản và phí bảo trì bảo dưỡng tòa nhà. Tất cả các vấn đề đó chỉ được thực hiện một cách suôn sẻ, êm thấm khi nhận được sự đồng thuận của tất cả các cư dân. Nhưng đối với các tòa nhà có đến hàng nghìn căn hộ thì điều này là không khả thi thậm chí là không thực tế.
  3. Chính vì sự phi thực tế đó nên mỗi chung cư cần lập ra một Ban Quản trị. Theo Luật nhà ở, Ban Quản trị sẽ đại diện cho ý chí, quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các cư dân để quyết định những vấn đề cốt lõi liên quan đến quản lý chung cư.
  4. Ban Quản trị được quyền kiểm soát, sửa chữa, quản lý các khu vực công cộng và các tiện ích chung của tòa nhà. Ban Quản trị có quyền thay mặt cư dân kí kết hợp đồng với các công ty quản lý, vận hành nhà chung cư cũng như hợp đồng bảo trì với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Ban Quản trị có quyền chỉ định hoặc chấm dứt hoạt động đối với một công ty quản lý và quyền theo dõi, kiểm  tra các công việc của công ty này.
  5. Theo Luật nhà ở, Ban Quản trị chung cư hoạt động theo nguyên tắc đa số. Mọi vấn đề về việc kiểm soát, quản lý các khu vực công cộng của tòa nhà đều được thông qua trong Hội nghị nhà chung cư .
  6. Ban Quản trị tiến hành lấy ý kiến của cư dân đánh giá chất lượng dịch vụ quản lý vận hành của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; thay mặt cư dân nêu các đề xuất, xin hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan chức năng nếu cần.
 
Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị
  1. Xây dựng nội quy sử dụng nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà chung cư theo quy định của pháp luật để trình Hội nghị nhà chung cư xem xét, thông qua.
  2. Lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết; giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký.
  3. Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng liên quan tới việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với các cơ quan chức năng, với tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết.
  4. Kiểm tra, theo dõi giám sát việc sử dụng, bảo hành, bảo trì nhà chung cư theo quy định.
  5. Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong nhà chung cư được giao quản lý.
  6. Thu các khoản tiền phải nộp của các chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng và kinh phí từ việc sử dụng các phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư (nếu có).
  7. Thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư theo hợp đồng đã ký và trả khoản tiền phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên trong Ban quản trị và các khoản chi khác theo quy định của Hội nghị nhà chung cư.
  8. Thực hiện các công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao. Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở ở trung ương ban hành quy chế quản lý nhà chung cư, hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong cả nước.
 
Thành lập Ban quản trị
Theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư và cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư.
 
Ban quản trị chung cư đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng cuộc sống của các cư dân trở nên an toàn, tiện lợi, và đảm bảo cho cư dân được tận hưởng tất cả các dịch vụ tiện ích của khu dân cư đó. Mặc dù nhà nước đã ban hành các quy định về việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư, hiện nay các mô hình đó vẫn hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
 
Với kinh nghiệm quản lý thành công nhiều dự án chung cư lớn tại Việt Nam, CityHomes luôn nỗ lực hỗ trợ chủ đầu tư cũng như cộng đồng cư dân trong việc tư vấn về quy trình thành lập, cách thức hoạt động hiệu quả nhất sao cho mọi cư dân đều có thể chủ động tham dự vào mọi hoạt động, giải quyết mọi vấn đề xảy ra tại khu chung cư đó. Từ đó, vai trò của Ban quản trị mới thực sự phát huy hiệu quả, tạo sự ưu ái, thiện cảm và tin tưởng của mọi cư dân.
 
#CITYHOMESVIETNAM
Đối tác

0934 157 857